Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Nhân tố quan trọng nhất trong nuôi dạy trẻ

Sau khi đọc cuốn sách: Children can change through right brain education của Shichida. Đọc đến đoạn này mình giật mình và suy ngẫm rất nhiều. Mọi người hãy đọc đoạn trích dịch sơ lược này nhé.
"  Nhân tố quan trọng nhất trong nuôi dạy trẻ
Nhiều cha mẹ bận tâm với những tiến triển nhất thời của trẻ. Họ ko để đầu óc mình nghỉ ngơi khi liên tục so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Họ vui mừng khi con mình đem về những phiếu điểm tốt, nhưng họ trách mắng khi con mình mang về những phiếu điểm kém. Quá chú trọng vào kết quả học tập có thể gây hại cho trẻ. Cả cha mẹ và trẻ đều căng thẳng về chuyện đó.Cha mẹ nên chấm dứt sử dụng thứ bậc học tập để đánh giá trẻ.
Có hai việc quan trọng cần tránh khi nuôi dạy trẻ. Đầu tiên là tạo ra một tiêu chuẩn cho con trẻ. Việc thứ hai là so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Bạn chắc chắn đã vô cùng hạnh phúc vào giây phút bé xuất hiện. Sau đó, bạn bắt đầu lo lắng liệu bé có tăng thiếu ký, có cao hơn, có tập nói và có phát triển trí tuệ không. Bạn tự làm mình lo lắng với tất cả và kết cục là bạn nuôi dạy con trong căng thẳng.
Nhân tố quan trọng nhất trong nuôi dạy trẻ là chấp nhận trẻ như vốn dĩ bản thân trẻ là vậy. Hãy nói với trẻ "Cả Bố và Mẹ đều hạnh phúc vì có con ở đây".
Một cách tự nhiên, mỗi đứa trẻ đều có tốc độ trưởng thành và phát triển tinh thần riêng. Một số trẻ phát triển nhanh về vật chất và tinh thần.  Một số trẻ sớm nắm bắt ngôn ngữ và một số trẻ thì chậm hơn. Sự phát triển trí tuệ ở mỗi trẻ cũng khác nhau. Trẻ em thích thú với những thứ khác nhau xung quanh mình. Có những thị hiếu khác nhau. Trẻ em có tính cách khác nhau nên việc mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt là điều hiển nhiên. Cho nên không cần thiết phải lo lắng khi so với một đứa trẻ khác một đứa trẻ có dấu hiệu chậm phát triển.
Hãy tin vào năng lực phát triển nội tại của mỗi đứa trẻ bằng cách quan sát bản chất thật của trẻ.
Nếu bạn nuôi dạy con một cách thư thái và dành tình yêu cho con, con bạn chắc chắn sẽ nhanh nhẹn và khoẻ mạnh. Điều quan trọng nhất cần nhớ khi nuôi dạy con là chú ý phát triển cảm xúc thay vì thành tích học tập và phát triển tài năng của trẻ.
Mọi đứa trẻ đều có năng lực phát triển đáng kinh ngạc.
Tất cả trẻ em đều là thiên tài. Vậy thiên tài là gì? Nó là khả năng phát triển bẩm sinh một cách ngạc nhiên với tiềm năng không giới hạn của trẻ. Nói các khác, chính trẻ em là khả năng. Khi con bạn lớn lên, cá tính của bé càng trở nên rõ nét. Môi trường xung quanh tác động đến cá tính của trẻ nhưng đồng thời có một xu hướng bẩm sinh của con người tác động tạo ra sự độc đáo này. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ cũng cố gắng nuôi dưỡng cá tính của mình. Cha mẹ phải khuyến khích sự phát triển cá tính của con mình. Giáo dục nuôi dưỡng tính cách cá nhân là cách giáo dục khiến trẻ hạnh phúc nhất. Không may thay, quy trình giáo dục hiện nay (tại Nhật Bản) phớt lờ tính cá nhân này và nhiều cha mẹ đã đàn áp tâm trí của con mình. Cha mẹ phải thận trọng để tránh mắc sai lầm này.
Trẻ em sinh ra đã tuyệt vời. Điều làm mờ tầm nhìn của cha mẹ là đánh giá tiêu cực của họ về con mình. Khi cha mẹ bày tỏ thông điệp yêu thương, con họ có thể thay đổi. Bạn không phải so sánh con mình với những trẻ khác. Giây phút bạn từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực về con mình và bắt đầu tin tưởng vào những năng lực vô hạn và bản chất phát triển tự nhiên của trẻ, con bạn sẽ bắt đầu thay đổi. Không có đứa trẻ nào là không thể thay đổi.".

Có một câu nói mà sau khi làm mẹ, hầu như ai cũng nhắc đến: "Có con mới hiểu lòng cha mẹ". Từ trước giờ mình cũng đã từng nói đến câu nói này. Coi nó như một điều hiển nhiên. Nhưng sau khi đọc được phần này trong cuốn sách của Shichida mới giật mình nghĩ lại một vấn đề. Tại sao lại đến khi có con mình mới hiểu được lòng cha mẹ, mà tại sao khi chúng ta sống cùng bố mẹ, chúng ta không hiểu được hết tấm lòng của cha mẹ. Phải chăng lúc đó, cha mẹ chúng ta thương yêu chúng ta ít hơn. Điều này hoàn toàn không phải. Tấm lòng của cha mẹ có lẽ ko thể đem so sánh được người này hơn người kia. Tuy nhiên, có lẽ cha mẹ chúng ta đã sai trong cách thể hiện tình cảm đó ra với con mình. Trong những người con, dần dần lớn lên tại sao chúng ta lại xa dần bố mẹ mình, có người còn cảm thấy có lẽ bố mẹ mình ko thương mình bằng anh, chị em mình hay thậm chí là con hàng xóm. và phải chờ đến lúc chúng ta có con, chúng ta mới hiểu được cha mẹ mình đã vất vả như thế nào?, đã cố gắng cho chúng ta những gì?
Và đến chúng ta, những người mới làm mẹ, mình nhận ra một sự thật rất buồn, mà bản thân mình cũng đang phạm phải một ít đó là. Lúc con mới sinh ra, con đúng là thiên thần của mẹ. Mẹ hạnh phúc biết bao nhiêu. Mỗi ngày mẹ thơm con, ôm con và luôn nói với con là mẹ yêu con. Nhưng qua thời gian, giờ mới giật mình nhìn lại. Những điều tưởng chừng như đơn giản là ôm con, thơm con hay nói với con là mẹ yêu con cứ tự nhiên giảm dần mà thay vào đó là đôi lần thiếu kiềm chế quát con, đôi lần ko thể kiên nhẫn được với con và đôi khi quá cứng rắn với con mà lẽ ra ở cái tuổi lên ba, con đang khẳng định tính cách của mình mẹ cần mềm mỏng hơn. Đáng lẽ ra, thời kỳ này mẹ phải ôm con nhiều hơn nữa, phải nói với con rằng mẹ yêu con nhiều hơn nữa và trên hết luôn cho con biết rằng dù con có phạm lỗi mẹ vẫn luôn yêu con.
Mẹ xin lỗi, xin lỗi con của mẹ những lần mẹ nóng giận, thiếu kiềm chế. Nhiều khi, mẹ đặt nhiều hy vọng vào con của mẹ. Điều này chắc mẹ phải sửa rồi. Mẹ luôn yêu con, "Cả Bố và Mẹ đều hạnh phúc vì có con ở đây"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét